Xác lập quyền NHCN cho sản phẩm Tôm hữu cơ Long Hòa – Hòa Minh

Mô hình canh tác xen canh nuôi tôm càng xanh trên đất lúa

Long Hòa và Hòa Minh là hai xã đảo thuộc cù lao Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, nằm ở cửa sông Cổ Chiên, nhánh chính của sông Tiền. Đây chính là nơi con nước ngọt từ thượng nguồn dòng Mê Kông hòa vào biển mặn. Người ta nói, ở Hòa Minh không có hai mùa mưa – nắng, cũng chẳng có bốn mùa xuân – hạ – thu – đông, chỉ có 6 tháng nước mặn, 6 tháng nước ngọt nên trước đây chỉ trồng một vụ lúa để dành ăn, còn khi mặn xâm nhập thì bỏ đất hoang. Người thì bỏ xứ đi làm thuê xa, người ở lại địa phương ai nhờ gì làm đó…, cuộc sống quanh quẩn trong cái đói, cái nghèo.

Từ năm 2009, khi tuyến đê bao tả, hữu sông Cổ Chiên (dài hơn 23km) hoàn thành và đưa vào sử dụng, cũng là thời điểm người dân nơi đây bắt tay vào sản xuất lúa một vụ kết hợp với nuôi thủy sản, nhờ chủ động được nguồn nước và triều cường trong mùa mưa (sản xuất lúa) và kết hợp nuôi tôm.

Nơi đây đang áp dụng sản xuất mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ đã và đang được ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh áp dụng và nhân rộng. Đây là một trong 13 mô hình trồng trọt được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh đánh giá hiệu quả ở cả ba tiêu chí: Kinh tế, xã hội và môi trường. Đáng chú ý, việc canh tác xen canh nuôi tôm càng xanh trên đất lúa cũng được xem là mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, do có thể trồng lúa vào mùa mưa và nuôi tôm vào mùa khô trên cùng một diện tích canh tác. Với mô hình này, ngoài việc tăng giá trị lợi nhuận và tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trong vùng, hướng đến nền nông nghiệp bền vững.

Dân đổi đời nhờ nghề nuôi tôm

Mô hình luân canh tôm – lúa ở 2 xã đảo cù lao Long Hòa, Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh được xem là mô hình sản xuất nông nghiệp “thông minh”. Thời gian gần đây, bên cạnh lúa gạo hữu cơ, thuỷ sản, mà chủ yếu là tôm, là kinh tế mũi nhọn và là nguồn thu nhập chính của đa phần nông dân ở hai xã cù lao này. Bởi vì đối với những diện tích trên 125 ha này nông dân hoàn toàn không sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật hoá học, thay vào đó bằng 2 loại phân hữu cơ CAHUMATA và ba hạt vàng để hạ phèn, giải độc hữu cơ trong đất. Đặc biệt sau mỗi vụ tôm, chất mùn bã hữu cơ, vi sinh vật và thức ăn dư thừa của con tôm là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa. Ngược lại sau vụ lúa, đất được cải tạo, môi trường thuận lợi nên tôm nuôi mau lớn, ít gặp rủi ro và dịch bệnh.

Phương thức canh tác nuôi tôm kết hợp trên lúa ít tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh, giúp sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo từng thời điểm và mùa trong năm. Đồng thời, biện pháp này cũng như tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với tiêu chí sản xuất, thực hành nông nghiệp tốt. Nhờ đó giá trị hàng hóa cho cả tôm và lúa ngày càng được nâng cao. Nuôi tôm càng xanh kết hợp trên đất lúa thực sự là “hướng đi mở” cho nông dân Long Hòa – Hòa Minh. Hiệu quả trước mắt là chi phí sản xuất thấp, do không cần sử dụng nhiều thuốc và hóa chất. Đặc biệt là chi phí thức ăn và công sức lao động cũng giảm so với cách canh tác truyền thống, kéo theo lợi nhuận tăng lên. Điều đáng nói, nuôi tôm theo hình thức xen kẽ tôm – lúa là mô hình sản xuất phù hợp với khả năng của đa số nông dân và cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Riêng trong năm 2021, xã Long Hòa có 1.585 hộ thả nuôi quảng canh trên diện tích 636,13 ha với 9,08 triệu con tôm giống, 7,793 triệu con tôm thẻ giống và 10,31 triệu con tôm sú giống; có 1.202 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 288,13 ha với 1.203 ao, 248,79 triệu con giống; có 1.798 lượt hộ thả nuôi tôm càng xanh trên diện tích 1.033,6 ha, với, 50,98 triệu con giống. Trong năm 2021, ở xã Long Hòa tiến hành thu hoạch tôm thẻ công nghiệp với diện tích 130,12 ha, gồm 641 ao, sản lượng 1.703,2 tấn, lãi từ 20 đến 600 triệu đồng/ao; có 4.941 lượt hộ thu hoạch tôm càng xanh, sản lượng 1.471 tấn; có 5.646 lượt hộ thu hoạch tôm sú, tôm thẻ và tôm biển quảng canh, tổng sản lượng 754,67 tấn. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy hải sản ước tính đạt 7.910,87 tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 4.315,87 tấn; khai thác thủy hải sản đạt 2.730; khai thác nội đồng 865 tấn) 4 . Mỗi mùa thu hoạch tôm hàng năm, các chủ trang trại, ao nuôi lãi từ 20 đến 600 triệu đồng/ao cho thấy giá trị sản xuất của địa phương với sản phẩm nuôi tôm và đặc biệt là sản phẩm tôm nuôi xen canh với lúa hữu cơ ở hai xã Long Hòa – Hòa Minh.

Thương hiệu là việc cần thiết

Mặc dù có tiềm lực phát triển, nhưng nhìn mặt bằng chung thì người dân Long Hòa – Hòa Minh vẫn chưa nuôi tôm theo một quy trình chuẩn, còn manh mún nhỏ lẻ, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thật sự được chú trọng,. Các sản phẩm tôm tiêu thụ trên thị trường hầu hết chưa có nhãn hiệu, không có thông tin truy xuất nguồn gốc hay hệ thống nhận diện thương hiệu. Vì vậy, việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm tôm hữu cơ của hai xã đảo này là rất cần thiết. Qua đó, khai thác đúng giá trị của sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngày 21/04/2022, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 750/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ năm 2022. Trong đó, đề cập đến kế hoạch lựa chọn nhà thầu hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Tôm hữu cơ của hai xã Long Hòa – Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Đến ngày 05 tháng 12 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 2334/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ Đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Tôm hữu cơ của hai xã Long Hòa – Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Nhiệm vụ được thực hiện với sự quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định SPVALUE là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở sự phối hợp giữa với các đơn vị có liên quan tại địa phương.

Sau quá trình triển khai thực hiện, đến ngày 26 tháng 06 năm 2023, đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Tôm hữu cơ Long Hòa – Hòa Minh” đã được nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ với số đơn 4-2023-27029. Đến ngày 27 tháng 07 năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 57020/QĐ-SHTT về việc chấp nhận đơn hợp lệ đối với đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Tôm hữu cơ Long Hòa – Hòa Minh”. Đồng thời, đơn nhãn hiệu nêu trên cũng đã được đăng trên công báo Sở hữu công nghiệp số 426 tập A quyển 3 (09.2023).

Hy vọng trong thời gian tới, cùng với những ưu đãi của điều kiện tự nhiên kết hợp với những chính sách của Đảng và Nhà nước, thương hiệu sản phẩm tôm hữu cơ Long Hòa – Hòa Minh vươn tới các thị trường lớn trong nước và quốc tế.

Theo Thanh Hoa – Làng Nghề Việt

Share:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *