Kinh nghiệm nuôi tôm sú trên ao nổi ở Trà Vinh

1. Quy mô công trình

+ Tổng diện tích khu nuôi là 3,6 ha, được chia làm 8 ao gồm 1 ao láng diện tích 1 ha, 6 ao nuôi diện tích 2ha, 1 ao xử lí nước thải 0,6 ha. Ngoài ra có cống cấp, thoát nước riêng biệt để thuận lợi trong quá trình nuôi.

+ Các ao lắng, ao nuôi được trải bạt nilon xung quanh để chống sạt lở bờ, chống rò rỉ nước từ bên trong ra ngoài, ngăn cách lớp phèn từ bên ngoài thấm vào bên trong ao nuôi. Ngoài ra ao lắng có sử dụng thả nuôi cá rô phi để cải thiện môi trường nước.

+ Trang bị đầy đủ như máy bơm nước, hệ thống cung cấp oxy (quạt nước), các loại máy đo pH, độ kiềm, độ mặn, độ trong…và các dụng cụ khác phục vụ cho nuôi tôm. Sử dụng các loại hóa chất trong quá trình nuôi như: Chất khoáng, Dolomite, chế phẩm sinh học, vitamin, men vi sinh…

2. Cải tạo, lấy nước và xử lí nước

Thực hiện cải tạo nuôi theo mô hình chung

Cải tạo ao: Bơm cạn nước, sên vét bùn đáy và cán cho nền đáy bằng phẳng có độ dốc nghiêng về cống thoát, có rào lưới xung quanh bờ chống cua, rẹm, còng và các vi sinh vật khác vào ao nuôi. Sau đó tiến hành bón vôi với liều lượng 1 tấn/ha để ổn định pH đáy ao, bón Dolomite khoảng 300kg/ha giúp tăng độ kiềm và ổn định pH cho ao nuôi.

Lấy nước và xử lí nước: Lấy nước vào ao nuôi qua túi lọc bằng vải katê nhằm ngăn chặn không cho trứng và ấu trùng và các loài giáp xác, cá con và các địch hại khác vào ao. Bón phân gây màu nước sử dụng từ 10-15kg DAP/1.000m2 để gây màu nước đến khi thấy nước có màu xanh vỏ đậu tiến hành thả giống.

3. Chọn và thả giống

Tôm giống phải sạch bệnh, chất lượng tốt, cỡ đồng đều, phản ứng nhanh nhẹn, mắt mở, đuôi xòe, không có chất bẩn bám trên tôm, kích cỡ từ 1,2-1,5cm. Mật độ thả 30con/m2, độ mặn nước ao từ 8-15 phần nghìn. Tổng số giống thả 600.000 con.

4. Chăm sóc và quản lí ao nuôi.

a. Quản lí môi trường: Thực hiện đo pH 2 lần/ngày (6giờ sáng và 2 giờ chiều) để kiểm soát pH thích hợp 7-8,5.

b. Quản lí phiêu sinh vật trong ao: Thường xuyên quan sát màu nước để duy trì sự phát triển của phiêu sinh vật, độ trong thích hợp từ 30-40cm. Khi có dấu hiệu nước bị bẩn (tảo tàn) bổ sung thêm DAP với liều lượng từ 3-4kg/ha, ngoài ra còn sử dụng Dolomite theo định kỳ 7 ngày/lần với liều lượng 50kg/ha để ổn định môi trường ao nuôi.

5. Cho ăn và quản lí sức khỏe của tôm

+ Sử dụng thức ăn công nghiệp cao cấp có hệ số chuyển đổi thức ăn 1:1,5 (1 kg tôm thương phẩm tiêu tốn 1,5kg thức ăn).

+ Hàng ngày thường xuyên theo dõi hoạt động của tôm, kiểm tra mức độ thức ăn của tôm để điều chỉnh phù hợp và hạn chế để thức ăn dư thừa

+ Trong quá trình nuôi đến khi thu hoạch, tỷ lệ sống đạt hơn 80%, chỉ bị hao hụt ở giai đoạn mới thả.

6. Năng suất và hiệu quả kinh tế

Đây là vụ nuôi đầu tiên trên vùng đất chuyển đổi từ hoang hóa và trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang phát triển nuôi trong năm 2003. Sau thời gian nuôi 4 tháng cho thu hoạch, kích cỡ tôm trung bình 40 con/kg. Năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha, sau khi trừ chi phí thực lãi hơn 200 triệu đồng.

Tổng kết lại, để đạt được hiểu quả cao trong việc nuôi tôm nói chung và tôm sú nói riêng, người sản xuất cần thật sự chú tâm và thực hiện theo quy trình kỹ thuật nhất định để có nâng cao tối đa hiệu quả của công tác nuôi trồng.

Share:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *